THIẾU HỤT NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Theôngđiểmnghẽntrongđàotạonhânlựctrìnhđộcaongànhbándẫhồ cáo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang VN. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống GD-ĐT và thị trường lao động.
Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có. Tuy nhiên, người học và các trường ĐH sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Vì vậy, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường ĐH lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên (SV) theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp. Vòng luẩn quẩn này chính là "điểm nghẽn" lớn.
Để giải tỏa "điểm nghẽn" này, bên cạnh sự định hướng rõ nét, nguồn lực hỗ trợ tương xứng và công cụ điều phối hiệu quả của Nhà nước, rất cần sự chủ động vào cuộc của các trường ĐH, kết hợp cùng các tập đoàn doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước, từ đó thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động. Từ đó tạo vòng hồi tiếp để thu hút người học, gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục thu hút đầu tư.
CƠ HỘI ĐH VN THAM GIA VÀO HỆ SINH THÁI BÁN DẪN TOÀN CẦU
Tại hội thảo, ông Bùi Thanh Tùng, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu hiện nay bị chi phối bởi các nước lớn. Tuy nhiên, quá trình sản xuất trung bình một sản phẩm bán dẫn cần từ 4 - 6 tháng, với hơn 500 công đoạn. Vì thế, không một quốc gia nào tự làm được hết mà phải hình thành hệ sinh thái bán dẫn và vi mạch toàn cầu.
VN đã tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn đó, thậm chí còn đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử, được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Doanh nghiệp VN có Viettel và FPT bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng IC toàn cầu. Nhà máy đóng gói và kiểm định của Intel tại TP.HCM đến cuối năm 2022 đã xuất xưởng hơn 3 tỉ chip. Tuy nhiên, ông Tùng cũng như các đại biểu khác đều cùng nêu thực trạng đào tạo nhân lực trình độ ĐH trở lên cho ngành này hiện rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Mỗi năm ngành công nghiệp bán dẫn cần 10.000 kỹ sư, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%.
Hiện nay các cơ sở đào tạo đều đã có những kế hoạch nhằm mở rộng quy mô tuyển sinh và đào tạo để đáp ứng nhu cầu lao động trình độ cao của thị trường lao động ngành bán dẫn trong tương lai. Tuy nhiên, để đảm bảo đào tạo có chất lượng các trường cũng như hệ thống phải đối mặt với nhiều thử thách.
HÀNG LOẠT THÁCH THỨC
PGS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, Trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội) nêu ra những khó khăn như thiếu cơ sở vật chất chuyên sâu cho chip bán dẫn (phần mềm, máy móc đo kiểm, chế tạo thử nghiệm), học liệu và bài thí nghiệm chưa đồng bộ, số lượng giảng viên/SV thấp, số lượng SV học đúng chuyên ngành thấp. Yêu cầu về cơ sở vật chất (phần mềm, máy móc) đào tạo ngành bán dẫn phải đầu tư nhiều tiền, kinh phí đào tạo kỹ sư phần cứng cao, đã vậy SV lại thích học phần mềm hơn là một thách thức với các cơ sở đào tạo ĐH.
PGS Trần Mạnh Hà, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng các cơ sở ĐH hiện nay đang đối mặt với một loạt khó khăn như chưa có mã ngành thiết kế vi mạch, thiếu chính sách hỗ trợ đội ngũ giảng viên, chuyên gia và thu hút SV giỏi, thiếu và không chia sẻ phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu, thiếu trung tâm nghiên cứu thiết kế vi mạch kết nối doanh nghiệp với trường ĐH, chuyên gia, thực hành chế tạo, thử nghiệm và kiểm thử.
Theo TS Nguyễn Trung Hiếu, Học viện Công nghệ - Bưu chính viễn thông, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao ngành bán dẫn, Nhà nước và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các trường ĐH. Đầu tiên phải quan tâm và phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa là nhà đầu tư, vừa là nơi có nhiệm vụ tái đào tạo, đào tạo nội bộ, kết hợp đào tạo, đặt hàng trường ĐH, cấp học bổng cho SV. Đặc biệt, doanh nghiệp chính là nguồn hấp thụ nhân lực mà các trường ĐH đào tạo ra. Nếu như ta không có một số lượng doanh nghiệp đủ lớn, đủ mạnh thì các trường ĐH nếu đào tạo ra số lượng lớn thì cung vượt cầu.
Theo PGS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, một vấn đề cần được quan tâm là làm sao có đội ngũ GV giỏi. Ngoài bồi dưỡng lực lượng hiện có thì các trường ĐH cần phải thu hút được người giỏi.
BỘ TRƯỞNG NGUYỄN KIM SƠN: "CHÚNG TA ĐANG CÓ CƠ HỘI LỚN"
Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng ngày 19.10 là một dấu mốc đáng nhớ trong chặng đường hệ thống giáo dục ĐH góp sức vào sự tạo dựng và phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của VN trong tương lai. "Tôi muốn nói tới một chữ "THỜI". Đây là một thời điểm, thời khắc, thời cơ. Ở thời điểm này, nếu chúng ta tận dụng được, chúng ta đang có một cơ hội lớn", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Theo Bộ trưởng, thời cơ đã chín muồi. Sứ mệnh, trách nhiệm tham gia phát triển được lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nâng tầm, nâng vị thế của đất nước được đặt lên vai toàn bộ hệ thống GD ĐH. "Chúng ta không được để lỡ nhịp này, nếu để lỡ nhịp này chúng ta có tội với đất nước. Nếu làm được chúng ta nâng được vị thế quốc gia, nâng được vị thế của cả hệ thống ĐH", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng bên cạnh chữ "THỜI", cần phải nói chữ "CAO": nhu cầu đang cao, lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao, người học có thể có thu nhập cao… Đặc biệt, phải đào tạo với tinh thần là chất lượng cao, cần phải quyết tâm rất cao mới làm được.
Điều quan trọng, theo Bộ trưởng, cần có các giải pháp đột phá. Về phía Bộ GD-ĐT, với các trường đủ quyết tâm chứng minh được khả năng của mình thì Bộ sẵn sàng cho các trường tuyển sinh sớm. Bộ GD-ĐT sẵn sàng ban hành thông tư và quy chế đặc biệt; quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, để sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước ngoài…
Trường nào cung cấp nhiều nhân sự làm việc trong lĩnh vực bán dẫn ?
Nhân sự làm việc trong lĩnh vực bán dẫn chiếm tỷ lệ cao nhất tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM (26%); tiếp theo là Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM (18%); Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (12%); ĐH Bách khoa Hà Nội 9%; Trường ĐH Cần Thơ (7%); Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM (6%); Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng (6%); Học viện Công nghệ - Bưu chính viễn thông (3%); Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM (3%).
Ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Synopsys VN
Thu nhập bình quân của nhân lực có trình độ ĐH trong lĩnh vực bán dẫn
Ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Synopsys VN, công bố số liệu về thu nhập (sau thuế) bình quân của nhân lực có trình độ ĐH làm việc trong ngành bán dẫn theo thâm niên như sau (đơn vị tính là triệu đồng/năm): Năm đầu tiên: 219,35. Năm 2: 241,29. Năm 3: 265,14. Năm 4: 291,95. Năm 5: 321,15. Năm 6: 353,27. Năm 7: 388,59. Năm 8: 420. Năm 9: 470,20. Năm 10: 517,22. Năm 11: 568,94. Năm 12: 625,83. Năm 13: 688,41. Năm 14: 757,26. Năm 15: 832,98. Năm 16: 916,28. Năm 17: 1.007,91. Năm 18: 1.108,70. Năm 19: 1.219,57. Năm 20: 1.341,52.